Bệnh nhân là bà N.T.K.N, 71 tuổi, nhập viện vì đau hạ vị và tiểu máu, bệnh khởi phát 10 ngày với triệu chứng đau quanh rốn liên tục, kèm theo bụng chướng và to dần.

Trước khi nhập viện, bệnh nhân có đến khám tại hai cơ sở y tế nhưng không phát hiện bất thường, chỉ cấp toa thuốc uống. Bệnh tình vẫn không thuyên giảm, bà N. thấy đau bụng ngày càng nhiều, bụng to và tiểu ra máu nên đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á.

Tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, bệnh nhân được thăm khám kỹ lưỡng, đánh giá các chuyên khoa cẩn thận. Các bác sĩ đánh giá đây có thể là trường hợp vỡ bàng quang không điển hình, bệnh nhân được chỉ định chụp hình bàng quang có thuốc cản quang, chụp CT 160 lát cắt có thuốc cản quang và các xét nghiệm đánh giá cơ bản.

Tuy nhiên, tất cả các kết quả khảo sát đều không phát hiện bàng quang vỡ. Điểm mấu chốt bất thường trên bệnh nhân này là có dịch ổ bụng lượng nhiều và Creatinine máu tăng rất cao.

Nhận định đây rất có thể là trường hợp vỡ bàng quang không điển hình, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu không chủ quan và không dừng lại ở các khảo sát hiện tại, bệnh nhân được chỉ định thực hiện soi bàng quang cấp cứu và phát hiện bàng quang vỡ ở đỉnh với kích thước đường vỡ khoảng 5 cm, được mạc nối lớn chui vào và bít kín lỗ thủng.

Đây là một trong những trường hợp vỡ bàng quang hiếm gặp được chẩn đoán bằng nội soi bàng quang khi mà các xét nghiệm chẩn đoán vỡ bàng quang thường quy không phát hiện được.

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi ổ bụng khâu lại bàng quang vỡ. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ hút ra được 4 lít nước tiểu. Với tình trạng mạc nối lớn chui vào lỗ vỡ và bít kín lỗ vỡ, bờ chỗ vỡ đã cầm máu tốt và tím do đã vỡ lâu ngày, bệnh nhân được cắt lọc mép vết rách và khâu lại bàng quang. Chỉ một ngày sau phẫu thuật, mức Creatinin máu xuống thấp ngoạn mục, bệnh nhân bắt đầu hồi phục và có hậu phẫu rất thuận lợi, được xuất viện vào ngày thứ bảy sau phẫu thuật.

Theo ThS. BSCKII. Nguyễn Vĩnh Bình - Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á TP. Hồ Chí Minh, đây là ca bệnh không điển hình từ lâm sàng đến kết quả cận lâm sàng cũng không điển hình khiến chẩn đoán được phát hiện muộn 10 ngày sau khi có triệu chứng. Bệnh nhân được nhận định đúng chuyên khoa nên được các bác sĩ quyết tâm chẩn đoán đến cùng với soi bàng bàng quang vốn không được khuyến cáo thường quy trong các xét nghiệm chẩn đoán.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Các triệu chứng của đường tiết niệu thường không điển hình và chồng lấp, chính vì thế khi có các triệu chứng của cơ quan tiết niệu, bệnh nhân cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi bác sĩ chuyên khoa để có hướng xử trí kịp thời, tránh phát hiện muộn những bệnh lý đáng tiếc như trong trường hợp này.